Với tình hình giao thông ngày càng trở nên phức tạp, việc cấm xe máy được xem như một xu hướng tất yếu của các đô thị hiện đại. Theo đó, Việt Nam cũng đang lên kế hoạch về việc hạn chế hoặc thậm chí là dừng hoạt động của xe máy ở những quận nội thành tại 5 thành phố lớn, triển khai từ năm 2030. Để triển khai lộ trình này, kinh nghiệm từ Trung Quốc – quốc gia đã thành công trong việc thực hiện chính sách này được xem là bài học quý báu mà chúng ta có thể học hỏi.
Trung Quốc bắt đầu triển khai cấm xe máy từ thời điểm nào?
Nếu có dịp ghé thăm TP. Thượng Hải, Trung Quốc, vi vu khắp các con phố của nơi đây, bạn sẽ khó để có thể nhận thấy sự xuất hiện của xe máy hay xe mô tô. Và cảm giác mà bạn cảm nhận rõ nhất đó là không khí tại thành phố dường như trong lành hơn, đồng thời giao thông cũng di chuyển trật tự hơn, cảnh quan xung quanh thành phố cũng văn minh hơn.
Trên thực tế, để đạt được những điều này, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng chính sách cấm xe máy từ khoảng 3 thập kỷ trước rất quyết liệt. Tại nhiều thành phố lớn của quốc gia này, lệnh cấm lưu thông xe máy đã được ban hành và thực thi từ những năm 1980. Trong đó, Bắc Kinh được biết đến là nơi đầu tiên được áp dụng lệnh cấm xe máy khi tại đây không cấp biển số mới cho xe từ năm 1985.
Nối tiếp theo đó, Quảng Châu cũng bắt đầu dừng đăng ký xe mới từ năm 1998, đồng thời cấm xe máy từ năm 2007, hướng đến mục tiêu giảm tắc nghẽn giao thông, giảm các tình trạng tai nạn giao thông cũng như nạn cướp giật tại đây.
Đến đầu năm 1990, tại Trung Quốc, ngày càng nhiều các thành phố triển khai học theo mô hình của Bắc Kinh. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 185 thành phố ở Trung Quốc chính thức áp dụng lệnh cấm đối với loại phương tiện xe máy.
Đối với Thượng Hải, từ năm 2002, phương tiện xe máy cũng đã bị cấm lưu thông trên những tuyến đường phố chính. Lệnh cấm này theo đó đã tác động đến khoảng 789.000 xe máy tại thành phố này, trong đó có khoảng 149.000 xe máy không đăng ký. Nguyên nhân cũng xuất phát từ tình trạng gia tăng mạnh về số lượng xe máy chỉ trong ít năm, từ đó gây nên tình trạng giao thông phức tạp, khó kiểm soát, kéo theo các vụ tai nạn cũng như các vụ phạm tội liên quan tới phương tiện xe máy có dấu hiệu tăng cao.
Cấm xe máy thành công, cần giải quyết được vấn đề “mấu chốt”
Đối với kế hoạch cấm xe máy, vấn đề gây nhiều tranh cãi, đồng thời cũng là yếu tố mang tính “then chốt” đó là khi cấm xe máy, người dân sẽ di chuyển bằng phương tiện gì? Chính câu hỏi này cũng là vấn đề lớn, khiến lộ trình cấm xe máy ở nước ta bị chậm lại. Thực tế, đây cũng là câu chuyện mà Trung Quốc gặp phải cách đây nhiều năm.
Rõ ràng người Việt Nam chúng ta cũng như người Trung Quốc trước đây sử dụng xe máy là do giá xe rẻ, di chuyển nhanh hơn xe ô tô khi chạy trong những đường hẹp, lại dễ luồn lách, không bị phụ thuộc vào những phương tiện công cộng, đồng thời chi phí vận hành, sử dụng khá thấp.
Và để giảm sự lệ thuộc đối với việc đi lại bằng xe máy, Trung Quốc đã thực hiện lộ trình “chuyển biến” vừa tự nhiên, lại vừa có sự chủ động nhất định từ các Nhà quản lý, cụ thể như sau:
Tiến hành hạn chế từng phần
Việc cấm lưu thông xe máy trước đây tại Trung Quốc cũng là câu chuyện ở nước ta hiện tại. Theo đó, không thể bất ngờ thực hiện lệnh cấm tuyệt đối, cho triển khai trên toàn bộ lãnh thổ mà phải từng bước, dần dần và từng phần.
Đầu tiên, chính sách này cần triển khai tại những các thành phố lớn, thực hiện áp dụng ở những quận trung tâm.
Thực tế, lệnh cấm xe máy có thể sẽ tác động mạnh đến đời sống của người dân. Vì thế, ngoài triển khai lệnh cấm ở những quận nội thành, thành phố lớn trước còn có thể giảm lượng xe máy lưu thông dần dần thông qua việc thu hồi, loại bỏ các xe cũ nát, không còn đảm bảo an toàn.
Các nhà hoạch định chính sách theo đó nên kết hợp linh hoạt giữa lệnh cấm phương tiện xe máy cùng việc dừng lưu thông những xe cũ nát, ban hành cụ thể về tuổi thọ cũng như tốc độ của những loại xe máy khác nhau.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông công cộng
Lệnh cấm xe máy sẽ đem lại 2 lợi ích chính, bao gồm việc hạn chế tai nạn giao thông cùng các vụ cướp giật, đồng thời giúp kích thích người dân ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng đảm bảo tính thân thiện với môi trường hơn.
Khi lệnh cấm xe máy được triển khai cũng sẽ tạo áp lực lên chính phủ, từ đó góp phần cải thiện hệ thống giao thông công cộng. Bởi như một xu thế tất yếu, khi người dân không còn di chuyển bằng xe máy, các phương tiện công cộng như xe buýt sẽ được sử dụng nhiều hơn.
Điển hình tại Trung Quốc, để đáp ứng nhu cầu di chuyển lớn của người dùng, Trung Quốc đã thực hiện đầu tư rất mạnh mẽ trong việc xây dựng hạ tầng giao thông đồ sộ, nổi bật với khá nhiều hạng mục đứng đầu thế giới.
Có thể nói, hiệu quả từ lệnh cấm xe máy đem lại có thể kể đến như: giảm ô nhiễm môi trường, góp phần giúp cảnh quan đô thị trật tự, sạch đẹp hơn, giảm số vụ tai nạn giao thông,…
Tổng kết
Hạn chế hoặc thậm chí là cấm xe máy là một giải pháp mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề giao thông và môi trường tại các đô thị lớn. Thực tế, chính sách này được xem là một quyết định lớn, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng thuận cao từ xã hội. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy thành công của chính sách này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông công cộng đến việc nâng cao ý thức của người dân. Ngoài ra, để thực hiện kế hoạch này, Việt Nam cũng cần xây dựng một lộ trình phù hợp với điều kiện và đặc điểm riêng của mình. Đây sẽ là một hành trình dài và khó khăn, nhưng chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho đất nước.